Vàng miếng tại SJC sáng nay liên tục giảm, còn 72 triệu đồng một lượng sau khi biến động mạnh vào hôm qua.
Mở cửa đầu ngày làm việc cuối cùng trước nghỉ lễ (30/12), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lại giảm 2 triệu đồng một lượng vàng miếng xuống 71 - 74 triệu đồng. Hôm qua có lúc vàng miếng cũng về mức này nhưng sau đó bật lên nhanh chóng.
So với mức đỉnh thiết lập vào 26/12, giá SJC mua vào hiện thấp hơn 8 triệu đồng tương đương mức giảm 10%. Còn chiều SJC bán ra giảm 6 triệu đồng, tương đương giảm 8%.
Sáng nay, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nhà vàng này nới rộng khoảng cách mua bán vàng miếng lên mức khủng 6 triệu đồng một lượng. DOJI mua vào 70 triệu đồng một lượng trong khi bán ra 76 triệu đồng.
Cuối buổi sáng, SJC giảm thêm 1,5 triệu đồng so với đầu sáng, đưa giá vàng miếng xuống 69,5 - 72,5 triệu đồng một lượng.
Vàng nhẫn và nữ trang cũng trong đà giảm hai ngày qua nhưng với biến động thấp hơn. Tại SJC, vàng nhẫn giảm gần 1 triệu đồng một lượng trong hai ngày, xuống 61,95 - 63,05 triệu đồng. Vàng nữ trang cũng giảm mức tương ứng xuống 61,85 - 62,75 triệu.
Giá vàng trong nước giảm kéo chênh lệch với thế giới thu hẹp, đặc biệt là với vàng miếng. Giá vàng thế giới quanh 2.062 USD một ounce quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 60,7 triệu đồng một lượng.
Như vậy chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới hiện về khoảng hơn 11,5 triệu đồng, trong khi đó tuần này có lúc lên gần 20 triệu đồng.
Lãnh đạo Vụ quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) hôm qua cho biết sẵn sàng giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới, theo ông, là nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng nhanh thời gian qua.
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24 với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công khi có nhu cầu dưới sự giám sát của nhà điều hành.
Tuy nhiên trong chục năm nay, Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng cũng như không cấp phép doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu. Do đó, nguồn cung vàng miếng hằng năm không tăng thêm mà thậm chí giảm đi bởi có những thời điểm chế tác vàng miếng thành nguyên liệu, nữ trang và xuất ra nước ngoài.
Hiệp hội Kinh doanh vàng chục năm nay kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép dập thêm vàng miếng và cấp phép doanh nghiệp nhập thêm vàng nguyên liệu phục vụ nhu cầu kinh doanh vàng nữ trang nhưng không được chấp thuận.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang đánh giá việc triển khai Nghị định 24. Trong tháng 1/2024, cơ quan này sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Quỳnh Trang