Lịch sử căn nhà
Nếu bạn mua một căn nhà mới hoàn toàn hoặc mua từ người quen như họ hàng hay bạn bè, bạn sẽ không phải lo lắng quá nhiều về nguồn gốc căn nhà đó. Nhưng nếu bạn mua một căn nhà cũ kỹ mà nhiều người quen gọi là nhà nát với nguồn gốc không rõ ràng từ “cò đất”, bạn sẽ gặp những vấn đề phát sinh, những bất cập và rủi ro đi kèm.
Trước khi mua nhà dạng này, những thông tin bạn cần tìm hiểu bao gồm:
Thông tin căn nhà cũ (từ người bán nhà, môi giới nhà đất, hàng xóm xung quanh ngôi nhà);
Chủ nhà trước là ai;
Nguyên nhân chủ ngôi nhà trước chuyển đi;
Căn nhà được xây dựng từ năm nào;
Những sự kiện, tai nạn từng xảy ra trong ngôi nhà (hỏa hoạn, tai nạn, người chết trong nhà);
Trước đây, khu đất này là vùng đầm lầy, đất nông nghiệp hay đất thổ cư?;
Căn nhà hiện có thuộc diện quy hoạch giải tỏa, tranh chấp, xiết nợ?;
Thông thường, nếu mua lại một căn nhà cũ mà người bán nhà vừa mới được thăng chức, trúng số, mới lập gia đình hoặc họ bán nhà để chuyển đến ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, đắc địa hơn là may mắn.
Xét về yếu tố phong thủy, nguồn gốc của gia chủ vốn sẽ gắn liền với những nguồn năng lượng trong căn nhà. Nếu nguồn năng lượng này tốt thì gia thế của gia chủ sẽ ngày càng tăng cao và ngược lại.
Trong trường hợp mua phải ngôi nhà cũ không tốt, tức gia chủ trước từng gặp xui xẻo, đồng nghĩa với việc bạn đã tự “rước” những rắc rối vào gia đình mình. Cũng theo phong thủy, nếu từ đầu ngôi nhà không mang lại vận khí tốt, gia chủ sinh sống trong căn nhà sẽ bị ảnh hưởng, nhất là về mặt sinh khí và tài khí.
Hoặc căn nhà cũ được bán từ một người mới ly hôn, mắc bệnh tật, người trong nhà đi tù, phá sản, gia chủ cũ từng có tranh chấp, nợ nần, bạn nên xác lập tư tưởng từ đầu là không nên mua, dù mức giá có rẻ. Bên cạnh đó, nếu nhà ở khu vực trình độ dân trí thấp, tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội thì tốt nhất bạn nên tránh xa.
Vị trí căn nhà
Với nhiều người, một căn nhà tốt phải đáp ứng một trong ba yếu tố “Nhất cận thị - nhị cận giang – tam cận lộ”. Nghĩa là, vị trí căn nhà phải nằm ở khu vực trung tâm, gần sông và gần đường chính hoặc đường lớn. Vị trí của căn nhà rất quan trọng, thường được mọi người nhắc đến trước tiên trong các tiêu chí để đánh giá nhà đất. Nó quyết định tính tiện dụng, giá cả và môi trường xung quanh.
Nếu vị trí của khu đất hoặc căn nhà nằm ở khu vực đắc địa, chắc chắn mức giá sẽ cao, cho dù đó có thể là nhà cũ hay nhà nát. Vị trí ngôi nhà tốt hay xấu thường được quyết định bởi phong thủy, các tiện ích xung quanh, hạ tầng giao thông, vùng ven hay trung tâm...
Những vị trí nhà không tốt mà người mua cần quan tâm gồm:
Nhà bên cạnh hay gần đường sắt;
Nhà ở ngã ba;
Nhà bị che chắn bởi các tòa cao tầng;
Nhà gần đền, chùa, miếu;
Nhà nằm ở trên đường dốc xuống;
Nhà có minh đường nhỏ hẹp;
Nhà trên sườn dốc, chân núi (tránh lở đất, sấm sét);
Nhà trên nền giếng cũ (bị thoát khí bất lợi cho sức khỏe).
Ngoài ra, người mua không nên chọn mảnh đất ở ngõ cụt. Theo quan niệm trong phong thủy, mảnh đất ở vị trí này sẽ gây tâm lý cô độc, hẹp hòi, quan hệ giao tiếp kém cho gia chủ. Không nên chọn vị trí nhà ở thung lũng, chỗ thấp trũng vì điều này gây ứ đọng tà khí. Bên cạnh nhà có đền miếu cũng không tốt, tâm thần dễ bị u uẩn, xáo trộn.
Thêm nữa, nếu trước mặt nhà có cột điện, ống khói, cây lớn… thì cũng nên lưu ý. Những vật cản này nằm trước mặt tiền nhà, bất kể là nhà phố hay nhà chung cư đều không tốt.
Hướng nhà
Một trong những yếu tố phong thủy quan trọng khi lựa chọn mua nhà cũ là xem hướng nhà. Sau khi xem xét các yếu tố trên, người mua cần lưu ý đến hai hướng Tây Nam và Tây Bắc của căn nhà.
Theo các chuyên gia phong thủy, hướng Tây Nam là hướng của trời, còn hướng Tây Bắc là hướng của mẹ. Cụ thể, hướng Tây Nam không nên có ngọn lửa (lò sưởi, bếp ga) bởi vì dương khí của hướng này rất mạnh. Nếu đặt những vật dụng nói trên ở hướng này sẽ dễ gây ra những khó khăn, vướng mắc cho gia đình bạn. Hướng Tây Bắc là hướng đại diện cho người phụ nữ trong gia đình. Hướng này không nên bố trí kho hay phòng tắm, gia chủ sẽ gặp khó khăn và bất hạnh trong hôn nhân.
Thực tế, việc xác định hướng nhà cần có sự tư vấn từ các chuyên gia về phong thủy, hoặc ít nhất là nhân viên môi giới có kinh nghiệm trong lĩnh vực phong thủy. Trước khi đến xem căn nhà nát mà bạn định mua, bạn cần mời chuyên gia hoặc thầy phong thủy đi cùng để xem xét các yếu tố phong thủy của căn nhà có ảnh hưởng đến mệnh, khí và tài của bạn và gia đình.
Nếu căn nhà thật sự “hợp” với bạn, nhưng mức giá do người bán đưa ra quá cao, bạn có thể thương lượng bằng cách nêu những khuyết điểm, những mặt chưa tốt của căn nhà để thương thảo được mức giá tốt nhất.
Môi trường sống, hàng xóm
Điểm cốt lõi trong phong thủy khi mua nhà nói chung là yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Điều này có nghĩa, yếu tố trời, đất và con người phải hòa hợp với nhau, bổ trợ nhau khi tồn tại trong cùng một môi trường. Cụ thể, người mua cần xem xét các yếu tố như:
Môi trường sống xung quanh căn nhà có tốt không;
Mối quan hệ hàng xóm có thân thiện không;
Chính quyền địa phương như thế nào;
Đất đai có tranh chấp hay không…
Sở dĩ cần quan tâm những yếu tố trên vì môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, thái độ con cái của bạn sau này. Không những ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách mà còn tác động trực tiếp đến chất lượng sống của bạn và gia đình. Chẳng có khách hàng nào muốn hàng xóm ngôi nhà tương lai của họ kém thân thiện, trẻ con vô lễ, hay la hét, quậy phá.
Lý do thứ hai là những khu dân cư mà hàng xóm có hành vi lấn chiếm, cơi nới ngõ vào nhà, tranh chấp tường chung tường riêng hoặc thậm chí tranh chấp đến hệ thống cống, rãnh thoát nước trước lối ra vào… dẫn đến mâu thuẫn, ẩu đả gay gắt chưa thể giải quyết được. Gặp những trường hợp này, tốt nhất bạn nên tránh vì có thể bạn sẽ gặp nhiều rắc rối sau khi mua nhà. Lý do cuối cùng là, thông qua hàng xóm, bạn có thể nắm bắt thông tin của căn nhà, của người chủ trước hoặc những uẩn khúc khác mà chỉ có những người lân cận như hàng xóm, láng giềng mới có thể cung cấp thông tin cho bạn.
Hình dáng khu đất
Khi tìm mua nhà cũ, bạn nên đi xung quanh ngôi nhà và khảo sát các yếu tố sau:
Hình dáng đẹp của khu đất là hình vuông, hình chữ nhật. Đằng sau rộng và cao hơn đằng trước biểu thị cho sự tốt lành. Ngược lại, đằng sau thấp và hẹp hơn sẽ tạo ra sự mất mát, khó khăn cho gia chủ.
Đường đi hoặc sông phía trước nhà uốn lượn hình chữ U. Nếu nhà ở vào đúng vị trí phần cong đáy chữ U phía trong, thì điều này sẽ tạo được tâm lý vững vàng, khoẻ khoắn. Nếu ở phía bên ngoài chỗ phần cong đáy chữ U thì ngược lại.
Nếu nhà được xây dựng trên đất có hình dáng tam giác, có nghĩa căn nhà có hình góc cạnh và nằm ở nơi đường giao nhau hình chữ Y, xe cộ qua lại hai bên nhà sẽ ồn ào, hỗn độn. Điều này không hợp với nguyên tắc “tứ bình bất ổn”.
Đối với căn nhà nằm trên mảnh đất hình thang nở hậu, quan niệm phong thủy cho rằng sinh khí sẽ tích tụ ở phía sau phần nở hậu. Tuy nhiên, do phần đầu của khu đất hẹp, sinh khí khó vào, nên lô đất có hình dạng này được xem là không tốt.
Ngoài ra, hình dạng đất còn có thể có hình chữ L. Hình dạng này được xem là không tốt vì khí khó lưu chuyển quanh các góc. Ngoài ra, điểm tiếp giáp của các bức tường hoặc tường rào sinh ra các góc xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của gia chủ.
Nhưng nếu bạn gặp mảnh đất không có ranh giới rõ ràng thì sao? Nét đặc biệt của hình dạng này là nhiều mảnh đất nhỏ tiếp giáp nhau và nếu có ranh giới thì cũng không rõ ràng. Theo các chuyên gia gợi ý, khi gặp mảnh đất hình dạng trên, bạn nên làm sân thật lớn hoặc trồng những bụi cây to ở trước sân để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực có thế xảy ra.
Bố trí các phòng trong nhà hợp phong thủy
Một trong những lưu ý cần quan tâm khi mua nhà là cách bố trí các phòng trong căn nhà. Chẳng hạn như:
Cần tránh cửa chính ra vào đối diện với ban công; cửa phòng bếp, phòng vệ sinh đối diện với cửa sổ;
Phòng khách phải được bố trí ở phía trước căn nhà, gần với cửa ra vào;
Phòng bếp phải ở nơi kín, tránh gió lớn;
Phòng ngủ phải yên tĩnh và nằm ở khu vực bên hông hoặc phía cuối căn nhà.
Nếu cách bố trí từng phòng không đạt yêu cầu cơ bản trong phong thủy, hoặc không phù hợp với tuổi và mệnh của bạn, hoặc đơn giản là bạn không thích cách bố trí phòng ốc đó thì bạn có thể cân nhắc sửa chữa, trùng tu lại căn nhà.
Khi xem nhà, đặc biệt là nhà nát, nếu bạn cảm thấy căn nhà cần phải sửa chữa thì nên đưa yếu tố này vào quá trình thương thảo giá với người bán, để họ thấy rằng bạn chưa hài lòng lắm với những khuyết điểm của căn nhà và phải tốn chi phí để sửa chữa. Việc làm này cũng góp phần giảm giá của căn nhà một cách đáng kể, với điều kiện bạn cần thương thảo, trao đổi một cách khéo léo với chủ nhà.
Ngoài những lưu ý nêu trên, người mua cần xem xét thêm các vấn đề xung quanh ngôi nhà như đường thoát nước, hệ thống dây điện, dây cáp quang, khu rác thải hay căn nhà có gần nghĩa trang... Những vấn đề này thường ít người để ý, nhưng nếu bạn sống lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và công việc của gia đình.