Là một trong 50 thuật ngữ đồng hồ đã được giới thiệu, chức năng Chronograph là một thuật ngữ chỉ về một chức năng trong đồng hồ, và thường được coi là một chức năng khá phức tạp đặc biệt là trong đồng hồ cơ. Vậy hãy cùng bệnh viện đồng hồ tìm hiểu những điều thú vị xung quanh chức năng Chronograph này nhé
CHỨC NĂNG CHRONOGRAPH – BẤM GIỜ THẾ THAO
✦ Chức năng Chronograph (hay còn gọi là Stopwatch) là một chức năng bấm giờ để đo một khoảng thời gian, chức năng này có khả năng hoạt động riêng biệt với việc xem giờ của đồng hồ thông thường. Với một chức năng chronograph đơn giản sẽ sử dụng duy nhất. Đồng hồ phức tạp hơn có thêm chức năng bổ sung và kim giờ, kim phút thậm chí là kim 1/10s. Thêm vào đó các đồng hồ có chức năng chronograph sử dụng các bezels có thể di chuyển làm tachymeter để đo tốc độ hoặc khoảng cách
>>> Xem thêm: Tachymeter là gì và Cách sử dụng đồng hồ Tachymeter
✦ Trước đây, người ta vẫn cho rằng nhà phát minh người Pháp Nicolas Rieussec(1821), chiếc đồng hồ bấm giờ của ông đã được thương mại hóa trên thị trường, Rieussec được vua Louis 18 giao nhiệm vụ phát minh ra cỗ máy có thể đo chính xác được các cuộc đua ngựa hết bao nhiêu thời gian. Đến năm 2013, lịch sử đã được chỉnh sửa lại khi phát hiện ra Louis Moinet pocket chronograph có khả năng đo thời gian trôi qua có cách hiển thị tương tự ngày nay do bậc thầy đồng hồ Louis Moinet chế tạo năm 1816.
✦ Nhưng sau tất cả, theo Giáo sư B. Humbert của trường Horology của Bienne trong sách xuất bản năm 1990 của ông, The Chronograph, người được coi là “cha đẻ của đồng hồ Chronograph” lại là bậc thầy đồng hồ George Graham (1649-1751) khi ông đã phát minh ra một cơ chế có khả năng đo thời gian trôi qua trong đồng hồ.
✦ Tuy rằng Nicolas Rieussec không phải là người trước nhất phát minh ra ý tưởng đồng hồ đo thời gian nhưng về mặt lý thuyết chỉ có đồng hồ Chronograph của ông là đúng với ý nghĩa của cái tên “Chronograph” vì nó biểu thị thời gian trôi qua bằng cách in các chấm màu trên một đĩa xoay.
✦ Trên đĩa xoay có in sẵn các con số tượng trưng cho các khoảng thời gian, độ dài của cung tròn mà các dấu chấm màu tạo ra sẽ chỉ thị thời gian trôi qua. Đó cũng là nguồn gốc của cái tên “chronograph” của đồng hồ thể thao Chronograph, và Nicolas Rieussec đã tạo ra nó cho cuộc đua ngựa Champ de Mars.
✦ Sau đồng hồ Chronograph của Nicolas Rieussec, các thợ đồng hồ đã không ngừng tạo ra nhiều biến thể mới với cơ chế hoạt động, tính năng nâng cao, kiểu dáng ngày càng đa dạng và tốt hơn. Sự tiến bộ của nhân loại của thời đại này cũng khiến cho đồng hồ Chronograph ngày càng phổ biến. Năm 1915, Gaston Breitling đã sản xuất chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên với kim giây nằm ở trung tâm và bộ đếm 30 phút. Sau đó, vào năm 1923, Gaston Breitling đã giới thiệu chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên với bộ bấm(pusher) riêng biệt nằm ở góc 2h. Năm 1934, Willy Breitling đã phát triển hơn nữa khái niệm đồng hồ bấm giờ với việc bổ sung bộ bấm thứ 2 ở góc 4h. Kể từ đó, thiết kế đồng hồ 3 chấu đã được toàn bộ ngành công nghiệp áp dụng
✦ Dù phổ biến đến mức hầu như luôn hiện diện trong bất cứ thương hiệu đồng hồ nào nhưng chức năng Chronograph vẫn được xem là chức năng cao cấp đối với đồng hồ thạch anh và đặc biệt là đồng hồ cơ.
NHẬN BIẾT ĐỒNG HỒ CÓ CHỨC NĂNG CHRONOGRAPH
■ Đồng hồ Chronograph có đặc trưng là nhiều kim, nhiều mặt phụ và ngoài núm chỉnh giờ(chốt) thì còn có từ 1-2 nút bấm(pusher). Nó thường là một chiếc đồng hồ với 2 hoặc 3 mặt số phụ nhỏ cùng 2 nút bấm đặt ở vị trí 2 giờ và 4 giờ. Nhưng nhớ là không phải mọi đồng hồ nào có đặc điểm như vậy đều là đồng hồ Chronograph đâu nhé, có khi chúng là Lịch nữa đấy.
■ Nhiều người sử dụng thường hay nhầm lẫn giữa Chronograph và Chronometer, trong khi Chronograph là một loại đồng hồ, chức năng đồng hồ, còn Chronometer nói đến độ chính xác của đồng hồ, được xác nhận bởi tổ chức COSC. Đồng hồ Chronograph có thể nhận được chứng nhận chronometer của tổ chức COSC nếu đảm bảo trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt của tổ chức này về độ chính xác của đồng hồ.
■ Các con số trên khung đo, số lượng các kim, tốc độ kim chạy nhanh chậm tùy thuộc vào mẫu mã, tuy vậy, khung đo giây có số/khoảng cách vạch càng nhỏ (ví dụ như 1/100, có nghĩa là đơn vị đo càng nhỏ) thì chứng tỏ Chronograph càng chính xác, tương tự khung đo giờ có số càng lớn thì thời gian Chronograph đo được càng dài.
PHÂN LOẠI ĐỒNG HỒ CÓ CHỨC NĂNG CHRONOGRAPH
◆ Dù vẫn có những chiếc đồng hồ chỉ có chức năng Chronograph mà không cho biết thời gian nhưng hầu hết đồng hồ Chronograph đều được đặt chung với đồng hồ cơ bản, tức vừa cho biết thời gian (giờ, phút, giây, lịch…) vừa cung cấp chức năng Chronograph, tối thiểu phải có Bấm Giờ Giây và Bấm Giờ Phút.
◆ Tất nhiên, đồng hồ Chronograph hiện đại có cả máy cơ lẫn máy thạch anh. Song song đó, chúng còn được phân loại theo cấp độ Chronograph:
– Đồng hồ Chronograph thường chỉ cho biết thời gian trôi qua giây, phút, giờ.
– Chronograph cao cấp sẽ được trang bị thêm thước đo để cho biết các đại lượng có liên quan đến thời gian như khoảng cách (Telemeter), nhịp tim (Pulsometer), vận tốc (Tachymeter) … hoặc cung cấp nhiều bộ đo với khung đo dài và đơn vị nhỏ. Riêng đối với đồng hồ Chronograph cơ cao cấp sẽ dùng cơ chế Bánh Răng Cột (Column Wheel) thay vì cơ chế Neo Chuyển (Cam Actuated).
>>> Tìm hiểu ngay: Telemeter là gì và Cách sử dụng đồng hồ Telemeter <<<
– Chronograph phức tạp (thường chỉ có trên đồng hồ cơ) sẽ đo thời gian theo nhiều cách khác nhau, điều này sẽ được đề cập ngay bên dưới trong phần 3 Loại Đồng Hồ Chronograph Phức Tạp sau đây.
3 LOẠI ĐỒNG HỒ CÓ CHỨC NĂNG CHRONOGRAPH CẤU TẠO PHỨC TẠP
Rattrapante Chronograph
hay còn gọi là Double Chronograph, Split-seconds, Chronograph Đôi, Bấm Giờ Chia Giây ra đời năm 1923. Loại đồng hồ Chronograph này có hai kim Bấm Giờ Giây (được đặt chồng lên nhau trên cùng một vị trí) để đo hai sự kiện khác nhau bắt đầu cùng lúc.
Kim Rattrapante có thể được dừng lại một cách độc lập (dừng tạm thời) với kim giây chronograph để xem kết quả, khi kim này được kích hoạt lại, nó sẽ lập tức bắt kịp kim giây chronograph. Những chiếc đồng hồ Rattrapante Chronograph thường có thêm một nút bấm được đặt ở vị trí 10 giờ hoặc vị trí 8 giờ để khởi động lại hai kim về vị trí 0.
Flyback Chronograph
Là loại Chronograph vận hành nhanh trong lần đo thứ hai khi được loại bỏ bước Dừng Lại. Kim Giây Bấm Giờ đang chạy sẽ lập tức được Reset và thực hiện việc đo chỉ với 1 nút bấm mà không cần bấm dừng lại, tiết kiệm thời gian thực hiện thao tác khi đo nhiều lần.
Loại Chronograph này bắt nguồn từ yêu cầu sử dụng của một số đối tượng đặc biệt như phi công hoặc các tay đua xe hệ thức 1. Một chiếc Fly-back cũng có hai nút bấm giờ thể thao ở vị trí 2 và 4 giờ nhưng điểm khác biệt của Fly-back là chức năng chronograph được thực hiện toàn bộ ở vị trí 4 giờ.
Mono-Pusher Chronograph
Còn gọi là Chronograph một nút bấm. Chỉ với 1 nút duy nhất (thường đặt trên núm chỉnh hoặc vị trí 2 giờ) là có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ cần thiết để vận hành chức năng Bấm Giờ, vừa nâng cao tính thẩm mỹ vừa tối ưu hóa thao tác vận hành.
>>> Tìm hiểu sâu hơn về chức năng Monopusher Chronograph tại đây!
CÁCH SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ CÓ CHỨC NĂNG CHRONOGRAPH CƠ BẢN
▬ Hầu hết chức năng Chronograph hiện nay được điều khiển bởi 2 nút bấm đặt ở vị trí 2 giờ (Nút A) và 4 giờ (Nút B) nằm trên khung vỏ. Núm bấm có thể có khóa (phần có các khía, mục đích là chống nước) hoặc không, nếu có khóa, hãy vặn khóa ngược chiều kim đồng hồ thì nút mới bấm được.
▬ Mặt phụ có khung đo (60) giây thường ở vị trí trung tâm hoặc 6 giờ. Mặt phụ có khung đo 30 phút hoặc 60 phút nằm ở vị trí 6 giờ hoặc 9 giờ hoặc 12 giờ. Mặt phụ có khung đo 6 giờ, 12 giờ hoặc 24 giờ nằm ở vị trí 9 giờ hoặc 12 giờ.
Cách đo thời gian cơ bản như sau:
Bước 1: Bấm Nút A để kích hoạt Chronograph (bắt đầu tính thời gian), bạn sẽ thấy kim giây Chronograph chạy ngay lập tức.
Bước 2: Bấm Nút A lần nữa để dừng lại Chronograph (dừng tính thời gian và xem kết quả), bạn sẽ thấy các kim Chronograph dừng ngay lập tức.
Bước 3: Bấm Nút B để Reset tất cả các kim về 0 (xóa kết quả), bạn sẽ thấy các kim Chronograph chạy trở về 0 tức vị trí 12 giờ ngay lập tức.
▬ Cứ lặp lại như thế mỗi lần muốn đo thời gian trôi qua của một sự kiện nào đó. Lưu ý là nếu thấy kim Chronograph đang chạy, bạn phải bấm Nút A rồi Nút B trước khi bắt đầu lần đo mới, nếu không sẽ tính sai giờ hoặc gây lỗi cho đồng hồ.
▬ Trên khá nhiều mẫu đồng hồ Chronograph cao cấp (đặc biệt là máy thạch anh), chức năng Chronograph ngoài đo thời gian trôi qua cơ bản thì còn cung cấp những chế độ đo nâng cao hơn như Lap Time (Đo So Sánh Thời Gian Về Đích 1, 2, 3…), Split Time (Đo Chia Nhiều Thời Gian), … hãy theo dõi hướng dẫn sử dụng kèm theo khi mua để khai thác hết nhé.
▬ Nếu các nút bấm có khóa, sau khi sử dụng Chronograph xong nên khóa lại bằng cách vặn theo chiều kim đồng hồ. Như vậy, đồng hồ sẽ đảm bảo khả năng chịu nước tốt hơn cũng như các nút không bị bấm, cấn ngoài ý muốn để không làm chronograph chạy quá nhiều sẽ nhanh hết pin hơn.
Hi vọng bài viết này của SHOPDONGHO.com sẽ giúp anh em đeo đồng hồ có những kiến thức khi đeo những mẫu đồng hồ chronograph.