Câu hỏi từ bạn đọc CafeLand có nội dung:
Tôi ở Quảng Ngãi. Ngày 4/8/2013 tôi mua một mảnh đất (có giấy viết tay) có diện tích 115m2. Mảnh đất đó thuộc đất đô thị và đã được cấp giấy chứng nhận. Mặc dù vậy, khi khi tôi xin giấy phép xây dựng thì không được cấp.
Theo phòng quản lí đô thị, nguyên mảnh đất 815m đất vườn của chủ trước kia được chuyển thành đất ở là đúng luật. Nhưng khi tách thành 6 mảnh nhỏ thì sai quy định. Sau đó, sang tên cho tôi cũng sai quy định.
Hơn nữa, đất tôi trúng quy hoạch 1/500. Dự án chuẩn bị thực hiện trước ngày 30/06/2014. (Quy hoạch 1/500 được Phòng Quản lý đô thị duyệt ngày 12/08/2013, đất tách ra 6 thửa cấp giấy chứng nhận được ký ngày 5/9/2013, sau đó chuyển cho tôi GCN được ký ngày 14/10/2013).
Vậy tôi xin hỏi:
1. Đất tôi có được cấp giấy phép xây dựng tạm không?
2. Khi thu hồi đất thực hiện theo quy hoạch, gia đình tôi có được tái định cư không? Vợ chông em đang ở trọ gần thửa đất đó,tam trú dài hạn và không còn đất nào ở đia phương đó cả.
nvthu@...
Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh trả lời:
Thứ nhất, theo khoản 3 Điều 62 Luật Xây dựng thì khi xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch.
Căn cứ Điều 5 Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/03/2009 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì:
“Điều 5. Giấy phép xây dựng tạm quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/CP
1. Việc cấp giấy phép xây dựng tạm chỉ áp dụng đối với những vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện.
2. Căn cứ tính chất, đặc điểm và thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng của từng khu vực, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể quy mô công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
3. Trong nội dung giấy phép xây dựng tạm phải ghi rõ thời gian được phép tồn tại của công trình, hết thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm nếu Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì công trình được phép tồn tại cho đến khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, khi đó chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.
4. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tạm như quy định đối với các công trình xin cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 23 Nghị định 12/CP.
5. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch áp dụng theo quy định hiện hành; riêng phần xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm thì không được bồi thường.”
Như vậy, khi gia đình bạn xin phép xây dựng, Phòng Xây dựng quận/ huyện sẽ căn cứ vào quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền duyệt, công bố và quy định của Uỷ ban nhân dân thành phố để xem xét và trả lời về việc khu đất ở của bạn có nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng không để quyết định cấp giấy phép xây dựng hay giấy phép xây dựng tạm cùng các nội dung ghi trong giấy phép đó. Vì vậy, yêu cầu bạn liên hệ tới phòng xây dựng quận/huyện để được trả lời cụ thể.
Thứ hai, việc bồi thường khi tiến hành thu hồi đất phụ thuộc vào quy hoạch, chính sách ở địa phương. Yêu cầu bạn liên hệ với ban quản lý giải phóng mặt bằng để được trả lời cụ thể.