Câu hỏi:
Tôi đang sinh sống ở nước ngoài. Hiện tôi có mua 1 miếng đất diện tích 7x20=140m2 tại Quận Nhà Bè. Đất này của Bộ Công An đã quy hoạch và một người dân mua lại đã 3 năm nay, toàn bộ đều là giấy tờ viết tay. Tôi được biết chính sách nhà nước hiện nay khuyến khích Việt Kiều về mua nhà để sinh sống, vậy tôi phải làm thủ tục sang nhượng như thế nào?
Xin chân thành cảm ơn! ( m_hanakumi@yahoo.com.vn)
Công ty Luật Thiên Bình trả lời:Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để được mua và sở hữu nhà ở tại
Việt Nam, người nước ngoài hoặc Việt Kiều phải thuộc đối tượng được mua,
thừa kế, tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, những điều kiện cần bao
gồm:
1. Cá nhân người nước ngoài phải có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị
thay thế hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp kèm theo
một trong các giấy tờ sau:
a. Trường hợp là người vào đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì phải có tên
trong giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương ứng còn thời hạn từ một
năm trở lên hoặc có giấy chứng minh là thành viên hội đồng quản trị,
hội đồng quản lý của doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
b. Trường hợp là người được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam
thuê giữ các chức danh quản lý thì phải có hợp đồng thuê giữ chức danh
quản lý hoặc có quyết định bổ nhiệm được lập bằng tiếng Việt. Đối với
những người có công đóng góp với đất nước thì phải có huân chương hoặc
huy chương của Chủ tịch nước CHXHCN VN trao tặng; người có đóng góp đặc
biệt cho đất nước thì phải có giấy tờ xác nhận của cơ quan cấp bộ phụ
trách lĩnh vực có đóng góp, và gửi tới Bộ Xây dựng xem xét để trình Thủ
tướng Chính phủ có văn bản cho phép.
c. Người vào Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, công
nghệ, môi trường, giáo dục - đào tạo... thì phải có văn bằng chứng minh
có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
hoặc của nước ngoài cấp, kèm theo giấy phép lao động hoặc giấy phép
hành nghề chuyên môn tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
cấp.
d. Đối với người nước ngoài có kỹ năng đặc biệt thì phải có giấy tờ xác
nhận về chuyên môn, kỹ năng của hiệp hội, hội nghề nghiệp Việt Nam...
kèm theo giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam hoặc giấy phép lao
động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
e. Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam phải có giấy tờ chứng
nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài
cấp, kèm theo hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ khẩu thường trú và chứng minh
nhân dân của vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam.
Các đối tượng trên phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ
chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, do cơ quan
quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng
được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
2. Theo đó, chỉ khi bạn có đáp ứng được các điều kiện nói trên thì bạn
mới được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nhưng mong bạn lưu ý rằng, nhà ở
mà bạn được mua, sở hữu phải là căn hộ chung cư trong các dự án phát
triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người
nước ngoài cư trú, đi lại.
3. Mặt khác, việc bạn mua đất bằng giấy tay là chưa đủ cơ sở pháp lý để
bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn. vì pháp luật Việt Nam quy
định việc chuyển nhượng QSD đất đúng pháp luật phải thỏa mãn những điều
kiện sau đây:
(i) Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có năng lực hành vi dân sự;
(ii) Mục đích, nội dung của hợp đồng chuyển nhượng QSD đất không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
(iii) Người tham gia giao kết hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;
(iv) Đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận
QSD đất hoặc có 1 trong các loại giấy tờ về QSD đất được quy định tại
các khoản 1, 2 và 5 Luật Đất đai năm 2003;
(v) Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng QSD đất phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Bộ Luật dân sự;
(vi) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn
bản, được chứng nhận của Văn phòng công chứng hoặc được chứng thực của
UBND cấp có thẩm quyền.
Chiếu theo các quy định nói trên, để có thể xác lập quyền sở hữu của
mình, bạn nên liên hệ trực tiếp với các cơ quan quản lý Nhà nước về xây
dựng, tài nguyên môi trường nơi mảnh đất tọa lạc để được trả lời và
hướng dẫn cụ thể hơn.