Muốn hợp thửa, đất có phải cùng mục đích sử dụng? Trong việc kết hợp hai thửa đất lại với nhau, việc phải xác định xem liệu chúng có cùng mục đích sử dụng hay không là vô cùng quan trọng. Nếu hai thửa có cùng mục đích sử dụng, quy trình hợp thửa sẽ được tiến hành một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, nếu chúng khác nhau, quy trình hợp thửa có thể trở nên phức tạp hơn và yêu cầu nhiều thủ tục pháp lý mà chủ sở hữu đất cần phải thực hiện. Điều này đặc biệt quan trọng khi liên quan đến việc xác định vị trí và diện tích của đất khi thực hiện giao dịch mua bán hoặc quyền sở hữu.
Mới đây, tôi đi làm một số thủ tục về cấp GCNQSDĐ, tuy nhiên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có yêu cầu việc hợp thửa đất phải cùng mục đích sử dụng. Đối với đất nông nghiệp, ngoài cùng mục đích sử dụng còn phải cùng thời hạn sử dụng.
Tôi đề nghị được gia hạn thời hạn sử dụng của thửa đất nông nghiệp có thời hạn nhỏ hơn về cùng một thời hạn với thửa đất còn lại để đủ điều kiện hợp thửa. Tôi nhận được trả lời chỉ được gia hạn khi thời hạn sử dụng còn trong vòng 6 tháng.
Xin hỏi, quy định nào về việc hợp thửa đất phải cùng mục đích sử dụng, cùng thời hạn sử dụng và việc hợp thửa đất nông nghiệp cùng mục đích nhưng khác thời hạn sử dụng có được không?
Cũng theo hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, việc chuyển mục đích sang đất ở phải tách thửa theo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, nhưng nếu xác định phần đất còn lại là đất vườn thì không phải tách thửa. Xin hỏi, căn cứ nào để xác định phần diện tích còn lại là đất vườn? Tại sao cấp GCNQSDĐ không tách phần đất ở mà lại cấp chung cả đất ở và đất nông nghiệp?
Võ Duy Hưng (Kon Tum)...
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.
Theo Tiết a Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính: “Thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được Nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì các thửa đất liền kề hợp thửa tạo thành thửa đất mới thì các thửa đất đó phải có cùng mục đích sử dụng.
Trường hợp các thửa đất liền kề không cùng mục đích sử dụng mà muốn hợp thửa thì cần thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất về cùng một loại đất để hợp thửa.
Trường hợp sổ đỏ cấp chung đất ở và đất nông nghiệp
Theo Điều 12 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì, trường hợp thửa đất hợp nhất từ nhiều thửa khác có nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất khác nhau hoặc có phần đất sử dụng riêng của một người và phần đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.
Như vậy, pháp luật đất đai đã có quy định thể hiện thửa đất có các thời hạn sử dụng đất khác nhau trên Giấy chứng nhận.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 103 Luật Đất đai năm 2013 thì đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở.
Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định:
“1. Đất vườn, ao quy định tại Điều 103 của Luật Đất đai áp dụng đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở, kể cả thửa đất trong và ngoài khu dân cư thuộc các trường hợp sau:
“a) Thửa đất hiện đang có nhà ở và vườn, ao;
b) Thửa đất mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này có thể hiện nhà ở và vườn, ao nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở”.
Việc các dự án đo đạc địa chính cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không tách phần đất ở mà lại cấp chung cả đất ở và đất nông nghiệp là do đối với các thửa đất ở có vườn ao thì không xác định được ranh giới rõ ràng của từng loại đất.
Do vậy, tiết đ Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định “Trường hợp đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở thì ranh, giới thửa đất được xác định là đường bao của toàn bộ diện tích đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đó”.