Quy định xử phạt khi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa là một vấn đề được quan tâm ở Việt Nam. Tại đây, những người vi phạm sẽ chịu những hình phạt nghiêm khắc như nộp phạt tiền và phải trả lại đất cho mục đích trồng lúa ban đầu. Quy định này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực cho ngành nông nghiệp.
Gia đình tôi có một mảnh đất chuyên trồng lúa nước đã được cấp sổ đỏ ruộng, trong thời gian canh tác tôi có tự ý chuyển đổi thành đất trồng cây lâu năm.
Hiện giờ tôi đã làm hết giấy tờ để sang tên cho con tôi (con tôi trực tiếp sản xuất nông nghiệp), nhưng khi nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, cán bộ đã về thẩm định tại thực địa có giải thích với tôi rằng: ruộng nhà tôi phải làm thủ tục chuyển mục đích sang đất trồng cây lâu năm sau đó mới làm được thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Xin hỏi, tôi phải làm thế nào để được sang tên đất cho con tôi?
Phong Nguyễn (Hưng Yên)
Trả lời:
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý đất đai, theo phản ánh thì gia đình bạn có một mảnh ruộng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng đất là đất chuyên trồng lúa nước; gia đình đã tự ý chuyển đổi thành đất cây lâu năm.
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai năm 2013 thì việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trường hợp gia đình bạn đã tự ý chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước thành đất trồng cây lâu năm (chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thuộc trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật đất đai cần phải xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 206 của Luật Đất đai, khoản 1 và khoản 5 Điều 9 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
"Điều 206. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại."
"Điều 9. Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai
1. Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng (trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 14 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên
....
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này."
Trên đây là một số quy định liên quan bạn có thể tham khảo và liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để được hướng dẫn cụ thể.