Nhà tôi đã cũ nên quyết định xây lại nhà mới. Những vật dụng đang sử dụng trong nhà cũ, trong đó có bát hương, bàn thờ, tượng, di ảnh,… tôi vẫn đang cất tạm tại nhà thuê. Sắp tới về nhà mới, tôi không biết có nên dùng những đồ vật thờ cúng này lại không và nếu tận dụng lại thì cần lưu ý điều gì?
Trả lời:
Đây là vấn đề đang được rất nhiều người xây nhà quan tâm. Việc xử lí hay tận dụng các vật dụng thờ cúng ở nhà cũ không phải chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn mang ý nghĩa phong thủy.
Đầu tiên, bạn cần xem lại khoảng thời gian ở nhà cũ, khi bạn chăm lo việc thờ cúng đã chỉnh chu, thì công việc, sức khỏe, gia đình,…của bạn có ổn không?
Nếu đánh giá mức độ hài lòng từ mức khá trở lên, thì bạn nên giữ lại các vật dụng thờ cúng và dùng lại khi về nhà mới, nếu đồ vật chưa bị hư hỏng hay cũ kĩ. Dẫu biết kết quả hiển thị cuộc sống của chúng ta tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có phong thủy bố trí của toàn bộ căn nhà và quan trọng là sự cố gắng cả về tâm và trí của gia chủ.
Tuy nhiên về mặt tâm lí, rõ ràng chúng ta sẽ cảm thấy an tâm, nếu sử dụng lại đồ thờ cúng cũ mà trước kia cuộc sống ta yên ổn, thay vì mua đồ hoàn toàn mới. Bởi quan điểm người Việt Nam thường cho rằng ông bà, thần linh đang nương nâú trong những đồ vật thờ cúng cũ và đang gia hộ, che chở cho cả gia đình hằng ngày. Mọi chuyện đang suôn sẻ, tức đồ vật cũ đang phát huy sự linh thiêng, đem lại nhiều may mắn, thế nên chẳng có lí do gì ta lại vứt bỏ nó đi.
Ngược lại, nếu quá trình ở nhà cũ xảy ra nhiều điều không mong muốn, hoặc nếu đồ thờ cúng bị hỏng, không sử dụng được nữa thì không nên mang về nhà mới.
Ngoài ra, nếu bạn xây nhà mới không phải trên mảnh đất nhà cũ mà là một nơi khác, thì bạn cũng không nên giữ lại tượng và bát hương thờ thổ địa của nhà cũ, vì mỗi nơi có mỗi vị thần cai quản khác nhau.
Khi quyết định sử dụng lại đồ đồ thờ cúng cũ, ta cần lưu ý những việc sau:
- Khi cần di dời đồ thờ cúng từ nhà cũ sang một nơi khác để xây nhà mới, cần làm lễ xin phép tổ tiên, thần linh trước rồi mới bắt tay làm. Đồ thờ cúng cần được bọc lại cẩn thận, để nơi trang nghiêm, cao ráo.
- Bát hương, tượng, di ảnh, là những thứ quan trọng nhất, cần được giữ lại. Những đồ vật đi kèm như: lọ hoa, đèn dầu, ly nước, hũ đựng muối gạo,…nếu còn mới thì vẫn khuyến khích giữ lại tất cả, chỉ khi nào không còn khả năng tái sử dụng hoặc việc cất giữ khó khăn thì mới bỏ đi. Vì theo quan niệm, bàn thờ cũng giống như ngôi nhà của tổ tiên, thần linh, vậy nên cần sự ổn định, tránh bị xáo trộn.
- Trong lễ nhập trạch, đối với bát hương khi đem từ nhà cũ về nhà mới, cần được bốc lại nếu bát hương chưa nạp cốt (vật phẩm giúp tăng linh khí cho bát hương) hay không có dị hiệu (tờ giấy viết tên tổ tiên hoặc thần linh) bên trong.
Tương tự, nếu tôn tượng chưa nạp cốt hoặc chưa được khai quang điểm nhãn, thì cần thực hiện lại các việc này. Để khai quang điểm nhãn tượng thần linh, cần đem đến chùa và nhờ các Sư Thầy thực hiện giúp, điều này cần làm trước khi làm lễ nhập trạch.
- Tất cả các đồ vật thờ cúng đem về nhà mới, cần được bao sái (lau chùi) sạch sẽ bằng nước ấm sạch, hoặc bột ngũ vị chuyên dùng để bao sái, sau đó mới an vị lên bàn thờ.
- Lễ nhập trạch, an vị di ảnh, tôn tượng, bát hương, phải được thực hiện vào ngày giờ tốt để đạt hiệu quả tối đa về phong thủy.
- Khi đã làm lễ nhập trạch về nhà mới và an vị bàn thờ xong, tuyệt đối không nên thi công, đục đẽo, gây động không gian phòng thờ.