Sau ngày 1-7-2016 (ngày BLTTDS 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực), việc xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có yêu cầu hủy giấy đỏ mà tòa cấp huyện đã thụ lý trước ngày 1-7-2016 diễn ra khá lộn xộn, thiếu thống nhất...
Tháng 3-2016, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm của TAND TP Nha Trang và TAND tỉnh Khánh Hòa trong vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa bà NTBL (nguyên đơn) với vợ chồng ông NTT (bị đơn).
Tòa chuyển cấp tỉnh, tòa giữ lại giải quyết
Tháng 5-2016, TAND TP Nha Trang thụ lý lại vụ án dân sự này theo thủ tục sơ thẩm. Phía nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn tiếp tục giữ nguyên yêu cầu hủy giấy đỏ mà UBND TP Nha Trang đã cấp cho bị đơn. Mới đây, TAND TP Nha Trang đã quyết định chuyển vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết sơ thẩm.
Theo TAND TP Nha Trang, vụ kiện này có liên quan đến việc xem xét quyết định hành chính cá biệt (giấy đỏ - NV). Theo khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015, thẩm quyền giải quyết của tòa được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính (TTHC). Mà theo khoản 4 Điều 32 Luật TTHC 2015, tòa cấp tỉnh xét xử sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện. Hiện TAND tỉnh Khánh Hòa đang thụ lý, giải quyết vụ kiện này theo thủ tục sơ thẩm.
Ở một vụ án dân sự cũng có yêu cầu hủy giấy đỏ tương tự khác, tòa cấp huyện lại không chuyển hồ sơ cho tòa cấp tỉnh như trên mà giữ lại để giải quyết.
Cụ thể, tháng 6-2012, TAND huyện Khánh Vĩnh thụ lý vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà NTI với vợ chồng ông NTC. Trong vụ kiện, vợ chồng ông NTC (bị đơn) có yêu cầu phản tố là hủy hợp đồng chuyển nhượng đất và hủy giấy đỏ do UBND huyện Khánh Vĩnh đã cấp cho nguyên đơn.
Sau thời điểm BLTTDS 2015 và Luật TTHC 2015 có hiệu lực, TAND huyện Khánh Vĩnh vẫn tiếp tục giải quyết vụ án này mà không chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa. Tháng 8-2016, TAND huyện Khánh Vĩnh đã đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Hiện nay do bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị nên TAND tỉnh Khánh Hòa đang thụ lý vụ kiện theo thủ tục phúc thẩm.
Tòa tối cao: Phân biệt hai trường hợp
Việc các tòa địa phương xác định thẩm quyền xét xử thiếu thống nhất trong trường hợp án dân sự có liên quan đến quyết định hành chính cá biệt của UBND, chủ tịch UBND mà tòa thụ lý trước ngày 1-7-2016 đã xảy ra không ít. Để giải đáp thắc mắc của các tòa địa phương, mới đây TAND Tối cao đã có công văn hướng dẫn nghiệp vụ.
Theo TAND Tối cao, trường hợp việc xem xét hủy quyết định hành chính cá biệt có liên quan dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của Luật TTHC 2015 thì tòa cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển cho tòa cấp tỉnh. Trường hợp không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì tòa án đang thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết.
Như vậy, công văn của TAND Tối cao phân biệt rất rõ hai trường hợp: Nếu khi giải quyết án dân sự mà phải xem xét hủy quyết định hành chính cá biệt của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện thì tòa cấp huyện chuyển vụ án lên cho tòa cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm. Còn nếu khi giải quyết án mà không cần phải hủy quyết định hành chính cá biệt của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện thì tòa cấp huyện giữ vụ án dân sự lại để tiếp tục giải quyết.
Vấn đề còn lại là công văn của TAND Tối cao không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ có ý nghĩa để các tòa nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thụ lý, giải quyết án. Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, có căn cứ pháp lý thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần ban hành nghị quyết hướng dẫn.