Đại biểu đề nghị tính toán lại mức chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu

Tỷ lệ chiết khấu kinh doanh xăng dầu rất thấp

Thời gian gần đây, không ít cây xăng thông báo ngưng hoạt động, treo biển hết xăng diễn ra tại nhiều địa phương. Tình trạng này khiến nhiều người dân phải chật vật tìm cửa hàng hoạt động và xếp hàng chờ tới lượt đổ xăng.

Ngày 21/10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương - cho biết, trong phiên giám sát Luật Bảo vệ người tiêu dùng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp xúc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.

Đại biểu đề nghị tính toán lại mức chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu - 1

Cửa hàng xăng dầu đóng cửa đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Q.A).

Bà Nga cho biết, qua các buổi trao đổi, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã phản hồi về việc tỷ lệ chiết khấu rất thấp, thậm chí 0 đồng. Với mức chiết khấu này, doanh nghiệp kinh doanh xăng không có lãi.

"Vì không có lãi nên nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc bán cầm chừng, nhưng việc này khiến họ đối diện với nguy cơ bị xử phạt. Chính điều này đẩy doanh nghiệp vào thế mắc kẹt", bà Nga nói.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các cơ quan quản lý cần có các giải pháp để tránh sự bất công với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán mức chiết khấu cho doanh nghiệp để tránh tình trạng "doanh nghiệp càng bán càng lỗ" như thời gian qua.

Bên cạnh đó, bà Nga đề nghị Bộ Công Thương - với vai trò là cơ quan quản lý cần có các phương án điều chỉnh, đảm bảo nguồn cung xăng dầu và điều tiết phù hợp để khắc phục tình trạng bất cập như thời gian qua.

Không có quy định mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu

Về mức chiết khấu xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác.

Các quy định hiện hành không quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu.

"Chúng ta hiểu rằng đây là giá trần, khi doanh nghiệp bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua", ông Hải nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hải, với việc điều hành rất công khai, minh bạch, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nắm bắt được xu hướng tăng hay giảm mức chiết khấu giá xăng dầu. Nếu có xu hướng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra, khi giá tăng lên họ lại giảm mức chiết khấu đi.

Trong chỉ đạo về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95 năm 2021 và Nghị định số 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10 này.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực vào cuộc, chủ động triển khai thực hiện chỉ đạo, quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Nguồn: dantri.com.vn

Post a Comment

Previous Post Next Post