CafeLand - Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản là cả một nghệ thuật. Mỗi trải nghiệm đều rất khác nhau và do đó các nhà lãnh đạo cần có những bộ kỹ năng riêng biệt. Dưới đây là 7 thói quen tốt của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, theo tổng hợp của chuyên trang Entrepreneur.
1. Ủy quyền trách nhiệm
Một nhà lãnh đạo giỏi cần phải truyền cảm hứng thông qua những bài học và kinh nghiệm thực tế, điều này sẽ mang lại giá trị cho cả công ty. Thành công của một công ty được xây dựng dựa trên nền tảng là sự ổn định, khả năng làm việc nhóm và sự thấu hiểu. Nếu hướng đến việc xây dựng một cấu trúc tốt hơn cho công ty, người lãnh đạo nên cân nhắc ủy quyền việc chia sẻ thông tin cho các bộ phận/phòng ban nhỏ hơn.
Thực hiện việc họp mặt cá nhân hoặc tổng thể (tùy thuộc vào những gì cần phải hoàn thành) là cách tốt nhất để quá trình này diễn ra suôn sẻ. Những cuộc họp này không nên thay thế cho bất kỳ cuộc họp định kỳ nào mà phải được tiến hành với tần suất và cách thức phù hợp nhất, tùy thuộc vào môi trường tổ chức, lĩnh vực và quy mô của công ty. Đổi lại, việc ủy quyền cho các bộ phận/phòng ban sẽ giúp họ cảm thấy được tôn trọng và có nhiều trách nhiệm hơn, qua đó gia tăng năng suất trong công việc. Tất cả các bên đều có lợi khi việc ủy quyền được diễn ra thuận lợi.
2. Lập kế hoạch và hành động cụ thể
Việc lập kế hoạch là điều đặc biệt quan trọng và là kỹ năng mà bất kỳ một nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nào cũng phải có. Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố để tạo nên một kế hoạch cụ thể, nhưng nó phải được thống nhất và thông qua các bên liên quan. Khi phương hướng đã được chọn, một nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm với kế hoạch đã đề ra.
Tất nhiên, không có điều gì là chắc chắn trên thị trường bất động sản. Vì vậy, bạn cũng cần có những kế hoạch dự phòng. Cuối cùng, với tư cách là một người đứng đầu, bạn cần có khả năng bao quát và thúc đẩy mọi người làm việc theo kế hoạch đã đề ra.
3. Phát triển nguồn lực
Tất cả các công ty đều cần những công cụ để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra. Vai trò của người lãnh đạo là đảm bảo nhân viên có đủ nguồn lực cũng như công cụ phù hợp để giúp ích trong quá trình làm việc. Việc có một nguồn lực với quy mô lớn và chất lượng cao sẽ giúp đẩy mạnh quá trình phát triển của một công ty.
Ngược lại, khi các công cụ được đánh giá là không phù hợp, người lãnh đạo phải có trách nhiệm đánh giá lại và tìm kiếm các nguồn lực khác với mục đích đảm bảo nhân viên có đủ điều kiện làm việc.
4. Phát triển con người
Một nhà lãnh đạo đồng thời cũng đóng vai trò như một người thầy, một chuyên gia có kinh nghiệm để hướng dẫn cho các nhân viên khác trong công ty. Do đó, một trong những việc quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo thường làm là dành thời gian để tìm hiểu, hướng dẫn và góp ý cho tất cả mọi người trong công ty.
Một nhà lãnh đạo giỏi thậm chí còn xem xét cẩn thận để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của từng người, sau đó tận dụng năng lực của họ cho mỗi công đoạn cụ thể. Quá trình này được gọi là xây dựng con người.
5. Sự tin tưởng
Rất ít người có thể thành công khi làm việc một mình. Nếu bạn thuê một nhân viên giỏi và nỗ lực để tất cả mọi người có thể học hỏi và phát triển từ họ, bạn sẽ có một đội ngũ đủ năng lực và được định hướng bài bản.
Hãy cho tất cả mọi người có không gian và thời gian riêng để phát huy hết khả năng của bản thân. Muốn đạt được sự thành công, lòng tin luôn là một trong những yếu tố then chốt. Bạn cần có sự tin tưởng vào những người đồng nghiệp, nhiên viên cũng như lộ trình phát triển của công ty.
6. Có những đánh giá và chế độ khen thưởng kịp thời
Đôi khi, bạn cần cởi mở hơn với tất cả mọi người. Trên thực tế, có rất nhiều nhiệm vụ khó khi một doanh nghiệp bất động sản đi vào hoạt động. Vì vậy, nếu nhân viên của bạn thể hiện tốt, ngay lập tức dành lời khen cũng như những phần thưởng hợp lý nhằm mục đích khích lệ và động viên kịp thời. Tuy nhiên, đánh giá cao đồng nghĩa với việc tâng bốc. Mọi thứ cần được thực hiện một cách chính xác và công tâm.
7. Nhìn về phía trước
Với bất kỳ một kế hoạch nào, kết quả đôi khi không phải là điều quan trọng nhất. Tất nhiên, ai cũng muốn thành công. Mặc dù vậy, điều quan trọng là bạn sẽ thu lại được những gì nếu gặp thất bại. Khát vọng nhìn về phía trước để thay đổi mọi thứ tốt hơn là một động lực tuyệt vời. Các nhà lãnh đạo lớn luôn chủ động trong từng giai đoạn cũng như cách quản lý kỳ vọng.